Ngành sản xuất & Cách mạng công nghiệp 4.0
Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trên quy mô toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 khởi đầu kỷ nguyên cơ khí hoá với sự ra đời của động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng thứ 2 có đặc trưng là các dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 ứng dụng công nghệ tự động và công nghệ thông tin vào sản xuất. Và Cuộc cách mạng thứ 4 này hứa hẹn sẽ đem đến khả năng tích hợp toàn bộ những công nghệ mới nhất như A.I. (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn), và Internet of Things (internet vạn vật).
Số hoá hoạt động sản xuất
Trung tâm của cách mạng công nghiệp 4 là số hoá toàn bộ quy trình từ thiết kế cho đến sản xuất. Một ví dụ là Adidas có dự định thay thế toàn bộ thiết bị gia công, vốn có thể mất vài tuần để cân chỉnh, bằng những máy in 3D hoặc công nghệ sản xuất đột phá khác. Adidas đã ứng dụng thành công việc dùng máy in 3D để sản xuất giày thể thao từ sợi tổng hợp và có kích thước chính xác theo từng khách hàng.
Cho đến gần đây, đa số máy in 3D được dùng trong sản xuất cho vai trò tạo ra các mô hình, nguyên mẫu thử nghiệm… Một khảo sát được thực hiện năm 2014 bởi PwC và Zpryme cho thấy chỉ 1% số nhà sản xuất sử dụng máy in 3D cho khâu sản xuất cuối cùng, và chỉ thêm 3% nữa dùng công nghệ này để tạo các chi tiết mà không thể được sản xuất bằng những phương pháp truyền thống.
Tuy vậy, công nghệ in 3D lại có viễn cảnh rất tươi sáng. Tốc độ tăng trưởng gộp (CAGR) hàng năm của máy in 3D cho đến 2019 được dự kiến là 73%, đạt 5,6 triệu đơn vị. Nói cách khác, công nghệ in 3D sẽ không chỉ ngày càng phổ biến hơn, mà cũng sẽ trở nên rẻ hơn, đặc biệt là cho các công ty vừa và nhỏ.
Adidas cũng đã xây dựng một nhà máy tự động hoá hoàn toàn tại Ansback, Đức, nơi mà mọi công đoạn sản xuất giày thể thao sẽ do robot đảm trách. Trong giai đoạn chạy thử, sẽ vẫn có 1 số công nhân đóng vai trò giám sát, nhưng mục tiêu cuối cùng sẽ là một nhà máy tự hành 100%.
Trong số hoá sản xuất thì dữ liệu chính là huyết mạch. Lượng dữ liệu được tạo ra trong toàn bộ các quy trình sản xuất – từ phát triển sản phẩm, sản xuất, cho đến dịch vụ hậu mãi – là cực lớn. Nhưng công nghệ của doanh nghiệp vẫn chưa bắt kịp để tận dụng lượng dữ liệu này. Ví dụ, một công ty khảo sát dầu khí có thể ghi nhận hơn 30.000 mẫu dữ liệu khác nhau chỉ từ một giếng khoan. Tuy vậy, phần lớn số dữ liệu này không được sử dụng.
Thích nghi với Cách mạng công nghiệp 4.0
Nhiều nhà sản xuất tại Mỹ và Châu Âu hiện đang rất quan tâm đến Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song vấn đề là ở chỗ làm thế nào để thích ứng với khái niệm mới này.
Một nghiên cứu gần đây của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy tuy có đến 90% số doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ nhận thức được tiềm năng của ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất, chỉ 28% nhìn thấy cơ hội tạo thêm nguồn doanh thu mới từ những công nghệ mới này.
Nhận thức giới hạn này khiến các doanh nghiệp khó có được cách tiếp cận toàn diện cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Họ chỉ áp dụng một số công nghệ riêng lẻ mà không có chiến lược rõ ràng. Quá trình triển khai chủ yếu tập trung vào một số mảng cụ thể thay vì nâng cao hiệu suất cho toàn công ty.
Theo khảo sát, được thực hiện với 380 quản lý cấp cao của các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ, thì an ninh mạng là mảng công nghệ được triển khai nhiều nhất (65%), theo theo là:
Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu (54%)
Điện toán đám mây (53%)
In 3D (34%)
Công nghệ robot (32%)
Tăng cường thực tế ảo (augmented reality) (28%)
Về mặt thách thức, 40% cho biết thay đổi văn hoá công ty là trở ngại lớn nhất khi áp dụng cách mạng công nghệ 4.0. Các trở ngại chính khác bao gồm:
Thiếu kết nối giữa các phòng ban (20%)
Thay đổi mô hình kinh doanh (15%)